Tác hại của muỗi đốt đối với thú cưng vô cùng nghiêm trọng, nhưng thú cưng không có khả năng tự vệ khỏi những loài muỗi như con người. Vì vậy, chúng ta cần phải bảo vệ và ngăn chặn không cho muỗi có cơ hội tấn công, gây hại cho chúng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các tác hại của muỗi đốt đối thú cưng, để từ đó có các phương án phòng tránh phù hợp.
Mục lục
1. Dấu hiệu nhận biết thú cưng bị muỗi đốt
Muỗi là một loài côn trùng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, chúng không chỉ tấn công con người mà chúng còn tấn công cả những loài động vật. Chúng ta thường nghĩ loài muỗi chỉ tấn công các động vật ít lông, làm sao đốt qua được bộ lông dày của loài chó, mèo nhà bạn. Trên thực tế, muỗi có thể đốt thú cưng chó mèo qua các khu vực không có lông bảo vệ như: Mũi, tai, bụng và phần da bị hói, muỗi mang đến nhiều loại bệnh nguy hiểm cho thú cưng cũng như đe dọa sức khỏe của con người.
Khi bị muỗi đốt, chó mèo cảm thấy khó chịu và ngứa ngáy. Chúng sẽ thường xuyên gãi hoặc cắn liên tục vào chỗ bị đốt gây trầy xước, chảy máu. Điều này có thể gây nhiễm trùng tại nơi chảy máu và sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Chúng ta thường nhầm lẫn thú cưng bị muỗi đốt với thú cưng bị bệnh ghẻ. Nếu bị bệnh ghẻ, thú cưng sẽ gãi liên tục hoặc cọ xát để gãi ngứa, ở vị trí gãi này da sẽ dày lên và có hiện tượng bong vảy, rụng lông rất nhiều.
Bộ phận của thú cưng bị muỗi đốt nhiều nhất là phần mũi và bụng, do đây là các bộ phận ít lông và chứa nhiều mạch máu. Khi nhận thấy chó mèo hay khịt mũi, phần da mũi sưng tấy và cắn vào phần da bụng thường xuyên, thì đây có thể là triệu chứng của muỗi đốt. Một số trường hợp có thể dẫn đến chảy máu mũi và tróc da bụng do thú cưng gãy hoặc cắn quá nhiều do ngứa ngáy, cần có các biện pháp lý nhanh chóng để tránh nhiễm trùng.
Nếu chó mèo có triệu chứng bỏ ăn, nôn mửa thì nhanh chóng mang chó mèo tới bác sĩ thú y để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
2. Tác hại của muỗi đốt đối với thú cưng
Muỗi mang ký sinh trùng giun tim – một loại ký sinh trùng xâm nhập vào hệ thống mạch máu cơ thể thú cưng và cuối cùng ở lại cơ quan đích là tim và phổi, phát triển thành con trưởng thành và sinh sản ở đây. Bên cạnh đó, muỗi là trung gian truyền bệnh của virus viêm não, virus viêm não ngựa miền Đông và bệnh Lupus ban đỏ.
1. Đối với chó
Lờ đờ, uể oải: Nếu chó bỗng dưng không muốn đi dạo, nằm lười biếng hoặc không muốn làm gì cả, đây có thể là một dấu hiệu của giun tim. Khi tình trạng trở nên xấu hơn, bất cứ một hoạt động nào cũng trở nên quá sức, làm chúng không muốn hoạt động hay ăn uống, từ đó dẫn đến suy tim nghiêm trọng, về lâu dài có thể dẫn đến tử vong. Do trong thời gian đầu chủ nuôi khó phát hiện ra triệu chứng này, cho rằng đây chỉ là dấu hiệu bệnh lý thông thường.
Ho dai dẳng: Không giống như khi bị ho thông thường, loài chó ho mạnh và rời rạc, ho do giun tim là tình trạng ho khan và dai dẳng. Ở giai đoạn đầu, ngay cả những vận động nhẹ cũng khiến chó ho, vì giun tim đang di chuyển vào phổi tạo ra những đoạn tắc nghẽn và làm chó bị kích ứng. Vì thế làm chúng ho liên tục, dẫn đến các suy nhược về thần kinh và cơ thể.
Sụt cân: Khi tình trạng bệnh giun tim trở nên nghiêm trọng, chú chó sẽ như không có chút năng lượng nào để thực hiện cả những hoạt động đơn giản nhất như: Đi lại, ăn uống, gãi ngứa, chơi đùa,… do đó dẫn đến sụt giảm cân nhanh chóng.
Khó thở: Khi giun tim trưởng thành, chúng cư trú trong phổi và tĩnh mạch của vật chủ, gây tắc nghẽn nghiêm trọng và dẫn đến những triệu chứng khó thở. Cùng với ho dai dẳng, những triệu chứng khác tương tự như của bệnh hen suyễn sẽ xảy ra. Dịch loãng cũng có thể tích tụ ở các mạch máu xung quanh phổi, làm phổi khó nhận khí oxy từ máu. Tình trạng khó thở làm thú cưng bị như bị nghẹn, không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tắc nghẽn khí lưu thông ở phổi dẫn đến tử vong.
Sườn to hơn:
- Khi dịch tiếp tục tích tụ và làm phổi bị đầy dịch, phần ngực của chó sẽ phình to hơn. Phần xương sườn cũng sẽ lộ rõ và to hơn do chó sụt cân. Tình trạng này xảy ra do phản ứng tích dịch của cơ thể để phản ứng lại sự hiện diện của ký sinh trùng.
- Khi giun tim đã hoàn toàn trưởng thành ở tim và phổi của chó, chú chó sẽ có những triệu chứng bệnh về giun tim cực kỳ rõ ràng, đây sẽ căn bệnh mang theo những hệ lụy lâu dài đối với sức khỏe của chó.
- Triệu chứng giai đoạn cuối của bệnh giun tim: Cũng như giai đoạn đầu của bệnh giun tim, chó sẽ không muốn ăn uống, ho khan và lờ đờ mệt mỏi, uể oải lười biếng. Những triệu chứng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn ở giai đoạn cuối, gây nên các hậu quả khó lường.
2. Đối với mèo
Mèo cũng có khả năng bị muỗi cắn và lây truyền bệnh giun tim như chó. Nhưng vì mèo không phải là vật chủ đích như chó, do đó triệu chứng không mấy rõ ràng và tình trạng bệnh cũng không nghiêm trọng như trên loài chó, nhưng một khi đã mắc bệnh sẽ không có thuốc để điều trị. Những triệu chứng lâm sàng phổ biến nhất sẽ gặp khi mèo nhiễm giun tim bao gồm:
- Tiêu chảy
- Ói không liên tục (đôi khi có lẫn thức ăn hoặc máu)
- Thở gấp và thở khó
- Ho khan
- Bỏ ăn
- Lờ đờ, uể oải
- Sụt cân
Hầu hết trong các trường hợp mắc bệnh, mèo sẽ sống sót một thời gian dài sau khi nhiễm giun tim. Trong trường hợp bệnh cấp tính, mèo sẽ chết đột ngột vì những dấu hiệu của triệu chứng không rõ ràng, khó nhận biết và cũng chưa có thuốc đặc trị giun tim cho loài mèo.
Thật không may là bệnh giun tim trên mèo không như loài chó, không thể chữa trị được. Những loại thuốc dùng để điều trị giun tim trên chó quá độc và có thể làm mèo tử vong. Vì thế cần có các biện pháp phòng tránh phù hợp và nhanh chóng để không gây tổn hại đến sức khỏe cho thú cưng nhà bạn.
3. Biện pháp ngăn chặn muỗi đốt cho thú cưng
Muỗi lây truyền các căn bệnh virus và vô số căn bệnh gây tổn hại đến sức khỏe của thú cưng. Ngoài hút máu, muỗi còn là nguyên nhân truyền các loại bệnh dịch nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến thú cưng và còn là vấn đề nguy cấp đến sức khỏe của con người. Do đó việc phòng chống muỗi là vô cùng cần thiết, sẽ giúp bạn cứu thú cưng khỏi sự phiền toái của đàn muỗi gây ra. Sau đây là các biện pháp ngăn chặn muỗi, giúp hạn chế muỗi tấn công thú cưng và các dịch bệnh nguy hiểm khác:
- Loại bỏ những chỗ đọng nước và bụi rậm ở ngoài vườn và trong nhà. Loài muỗi lợi dụng các địa điểm đó để đẻ trứng và sinh sống.
- Sử dụng sản phẩm ngừa cho giun tim cho thú cưng một cách có hiệu quả nhất. Bạn có thể tham khảo một số sản phẩm như: Thuốc xổ giun Virbac Endogard, nhỏ gáy Revolution trị nội ngoại ký sinh cho mèo,…
- Thay nước uống cho chó mèo thường xuyên.
- Tránh đưa thú cưng đi dạo nơi đầm lầy.
- Lắp đặt cửa lưới chống muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào để ngăn chặn muỗi bay vào nhà.
- Hạn chế cho thú cưng ở bên ngoài, nhất là buổi sáng sớm và đầu chiều tối (giờ cao điểm cho muỗi hoạt động).
- Sử dụng các loại tinh dầu đuổi muỗi như: Tinh dầu Bạch đàn chanh (Lemon Eucalyptus Oil), tinh dầu xả, tinh dầu cây phong lữ và dầu đậu nành, tinh dầu cam, chanh.
- Trồng các loại cây có công dụng đuổi muỗi trong nhà và quanh nhà như cây sả, oải hương, bạc hà,…
Muỗi không chỉ gây khó chịu và nguy hiểm cho con người mà còn cho thú cưng. Rất nhiều các trường hợp thú cưng mang bệnh do bị muỗi đốt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thú cưng. Nên có các biện pháp phòng tránh phù hợp để tránh các trường hợp nghiêm trọng xảy ra, chủ nuôi có thể sử dụng các lời khuyên ở trên để bảo vệ thú cưng khỏi bị muỗi đốt.