Băng huyết sau sinh đây là hiện tượng nguy hiểm đối với mẹ, bởi vì khi băng huyết dẫn đến suy hô hấp và nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nếu bạn đang tìm những biết pháp phòng ngừa thì hãy đọc ngay bài viết dưới đây Quang Minh sẽ giúp bạn biết những cách điều trị cũng như phòng ngừa băng huyết sau sinh nhé!
Mục lục
1. Trường hợp được xem là băng huyết sau sinh
Các chuyên gia giải đáp như sau: Hiện tượng máu chảy hơn 500ml ở trường hợp sinh thường và nhiều hơn 1000ml đối với trường hợp sinh mổ được gọi là băng huyết sau sinh hay băng huyết. Lượng máu chảy có thể đột ngột, ồ ạt hoặc từ từ tùy theo mỗi trường hợp bệnh khác nhau.
Hơn nữa, các sản phụ có thể bị mất một lượng máu như nhau nhưng tình trạng này lại gây ra những ảnh hưởng khác nhau trên từng bệnh nhân cụ thể. Chẳng hạn, thai phụ đã bị thiếu máu trước đó thì ảnh hưởng băng huyết sẽ nặng nề hơn hoặc những thai phụ có thể trạng gầy, nhẹ cân hơn thì mức độ băng huyết sẽ nghiêm trọng hơn,… Chính vì thế, để xác định được mức độ nguy hiểm của bệnh, các bác sĩ cần dựa vào một số yếu tố khác như huyết áp, mạch, huyết sắc tố, hematocrit,…
Băng huyết sau sinh được chia làm 2 loại đó là nguyên phát và thứ phát:
- Băng huyết nguyên phát: Là những trường hợp thai phụ bị băng huyết trong thời gian khoảng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh con.
- Băng huyết thứ phát: Là những trường hợp thai phụ bị băng huyết trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 12 tuần đầu sau sinh.
Các trường hợp băng huyết nguyên phát thường chiếm số lượng lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, những trường hợp bị băng huyết sau sinh khoảng 2 đến 3 tháng cũng có thể phải đối mặt với những vấn đề rất đáng lo ngại.
Dưới đây là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị băng huyết sau sinh:
- Thai phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi).
- Thai phụ thừa cân, béo phì.
- Những thai phụ mắc bệnh nền, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh lý về máu,…
- Những thai phụ đã từng bị băng huyết.
- Ngoài ra còn có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh, chẳng hạn như chuyển dạ kéo dài, tử cung quá căng do thai to hoặc đa thai, cắt tầng sinh môn, nhiễm trùng ối,…
Nếu mẹ bầu có những yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ theo dõi thận trọng hơn để kịp thời xử trí những vấn đề bất thường có thể xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp dù không có yếu tố nguy cơ nhưng vẫn không may xảy ra tình trạng băng huyết sau sinh.
2. Nguyên nhân bị băng huyết sau sinh và cách nhận biết
2.1. Nguyên nhân sau sinh bị băng huyết
- Đờ tử cung: Là những trường hợp tử cung không thể co hồi trở lại sau khi em bé chào đời. Lúc này, cơ tử cung không co đủ mạnh và đồng thời máu vẫn chảy khiến cho sản phụ bị mất quá nhiều máu.
- Bất thường của bánh nhau: Một số bất thường về bánh nhau như nhau bám thấp, nhau tiền đạo hay nhau cài răng lược, diện tích bánh nhau lớn,… cũng có thể là nguyên nhân xảy ra băng huyết.
- Tổn thương cơ quan sinh dục: Trong trường hợp cơ quan sinh dục như tử cung, âm đạo,… của sản phụ bị tổn thương, rách, vỡ thì cũng có thể dẫn đến băng huyết và cần được can thiệp kịp thời để tránh tối đa nguy cơ rủi ro về sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi.
- Rối loạn đông máu: Tình trạng này thường gặp ở những đối tượng bị bong nhau, thai lưu, nhiễm trùng,… Tùy vào từng lượng máu bị mất đi mà sản phụ có thể phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe khác nhau.
2.2. Dấu hiệu nhận biết băng huyết sau sinh
Tình trạng băng huyết có thể gây ra một số triệu chứng như sau:
- Sản phụ bị ra máu bất thường trong khoảng 24 giờ đầu tiên sau sinh.
- Máu có thể chảy đột ngột hoặc từ từ hay liên tục và có màu đỏ tươi.
- Mạch sản phụ nhanh, chân tay lạnh, huyết áp tụt, da xanh xao và có hiện tượng vã mồ hôi, sốc do mất máu,…
- Khi máu ứ trong buồng tử cung sẽ khiến cho diện tích tử cung tăng, to ra theo chiều ngang và có tính chất mềm nhão.
3. Băng huyết sau sinh cần được cấp cứu kịp thời
Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ điều trị theo những phác đồ điều trị phù hợp như sau:
- Đối với những trường hợp băng huyết do đờ tử cung: Có thể xoa bóp tử cung nhằm mục đích kích thích tử cung co thắt, dùng thuốc co hồi tử cung, nhanh chóng truyền máu hay các chế phẩm từ máu hoặc truyền dịch cho sản phụ.
Với những ca bệnh nặng, các bác sĩ có thể tính đến phương pháp phẫu thuật kẹp mạch máu tử cung để hạn chế nguy cơ chảy máu. Trong trường hợp những phương pháp trên không mang lại hiệu quả, có thể buộc phải cắt tử cung cho sản phụ.
- Đối với những sản phụ bị băng huyết do những bất thường bánh nhau:
- Nếu sót nhau: Truyền dịch, dùng kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc truyền máu nếu cần thiết.
- Nhau không bong: Cần bóc nhau, kiểm soát tử cung, truyền máu, phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.
- Đối với những trường hợp tổn thương cơ quan sinh dục cần khâu phục hồi đường sinh dục, phá khối tụ máu.
- Đối với những trường hợp bị rối loạn đông máu: Điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể.
4. Làm thế nào để phòng ngừa băng huyết sau sinh?
Để phòng ngừa tình trạng băng huyết sau sinh, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau:
- Thực hiện khám thai định kỳ.
- Thực hiện các loại siêu âm, xét nghiệm cần thiết để nhận biết sớm những bất thường ở thai nhi và mẹ bầu.
- Bổ sung sắt và axit folic đầy đủ để phòng tránh tình trạng thiếu máu.
- Mẹ bầu nên có chế độ ăn đa dạng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất và nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng.
- Trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng bất thường chẳng hạn như tình trạng đau đầu, hoa mắt, khó thở, xuất huyết âm đạo, ra nước âm đạo,… cần đến ngay các cơ sở y tế để được chuyên gia thăm khám và điều trị sớm để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
Như vậy qua bài viết bạn đã có thêm nhiều thông tin cũng như biết được biện pháp phòng ngừa và điều trị hiện tượng băng huyết sau sinh. Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn, chúc bạn luôn mạnh khỏe. Hãy theo dõi Quang Minh để nhận thêm nhiều bài viết hay nhé!
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/bang-huyet-la-gi-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-benh-ra-sao-s74-n29023
Bài viết liên quan: