Viêm tai giữa ở trẻ là tình trạng xảy ra thường xuyên do hệ miễn dịch của trẻ yếu. Các tình trạng bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây ảnh hưởng đến não bộ. Vì thế, cha mẹ cần trang bị đầy đủ kiến thức để điều trị viêm tai giữ cho trẻ đúng cách.
Mục lục
Nguyên nhân trẻ dễ mắc viêm tai giữa
Bệnh lý viêm tai gồm viêm tai ngoài, viêm tai giữa và viêm tai trong, trong đó viêm tai giữa là phổ biến nhất, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Nguyên nhân khiến trẻ nhỏ là đối tượng mắc bệnh nguy cơ cao và biến chứng cũng nguy hiểm hơn là do:
Chưa phát triển hệ miễn dịch
Trẻ sơ sinh trong ít nhất 6 tháng đầu tiên cần nhận miễn dịch bị động từ sữa mẹ hoặc các nguồn sữa khác, sau đó hệ miễn dịch sẽ dần hoàn thiện. Tuy nhiên, miễn dịch của trẻ khi chưa phát triển đầy đủ sẽ không thể ngăn chặn các tác nhân gây bệnh hiệu quả, nhất là vi khuẩn tấn công đường hô hấp và tai giữa.
Cấu trúc tai chưa hoàn thiện
Tai trong của chúng ta được kết nối trực tiếp với mặt sau của cổ họng thông qua ống thính giác, vì thế là bệnh viêm tai giữa thường gặp hơn là biến chứng của các bệnh viêm đường hô hấp. Bình thường, ống thính giác được mở ra cho phép chất lỏng và tạp chất ở tai giữa có thể thoát ra ngoài. Tuy nhiên, do cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh và miễn dịch yếu nên vi khuẩn dễ tấn công ngược từ mũi họng gây viêm, tăng tiết dịch mủ và nhiễm trùng.
Bệnh tai mũi họng gây viêm tai giữa
Viêm tai giữa thường là biến chứng từ các bệnh viêm mũi họng mà trẻ hay gặp khi thời tiết chuyển mùa như: viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, viêm họng,…
Do những nguyên nhân này, viêm tai giữa là một trong những bệnh lý thường gặp hàng đầu ở trẻ nhỏ, vì thế các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức đầy đủ về bệnh nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ tốt hơn.
Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ
Để phát hiện sớm, điều trị đúng cách và chủ động ngăn ngừa bệnh, cha mẹ cần nắm được những thông tin về bệnh viêm tai giữa như thế nào?
Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ
Trẻ bị viêm tai giữa sẽ có những dấu hiệu bệnh đặc trưng sau:
- Sốt nhẹ đến sốt vừa, có thể cao hơn 39 độ C.
- Chán ăn, bỏ bú, ăn không ngon miệng.
- Trẻ bị đau trong tai, trẻ lớn có thể nói cho cha mẹ nhưng trẻ nhỏ chỉ biết dùng động tác dụi tay hoặc kéo vành tai.
- Trẻ khó chịu, trằn trọc, khó ngủ, hay quấy khóc.
- Tiêu chảy, nôn ói.
- Có dịch mủ chảy ra từ ống tai ngoài.
- Chậm phản ứng với âm thanh.
- Có triệu chứng đau đầu, giảm thính lực tạm thời.
Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em khá dễ nhận biết và xuất hiện từ sớm, vì thế cha mẹ chỉ cần chú ý là sẽ thấy trẻ có nhiều biểu hiện bệnh khác lạ.
Cách điều trị khi trẻ bị viêm tai giữa
Hầu hết trường hợp viêm tai giữa ở trẻ biến chứng từ bệnh lý viêm mũi họng thông thường, do vậy đầu tiên cần điều trị các bệnh lý này. Viêm tai giữa nếu không quá nghiêm trọng sẽ tự khỏi sau vài ngày, triệu chứng bệnh cũng giảm dần rồi biến mất. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà cần tiếp tục theo dõi dấu hiệu bệnh ở trẻ, nếu tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Khi dấu hiệu bệnh rầm rộ, thường ở giai đoạn viêm tai giữa xung huyết, nếu bệnh kéo dài có thể trẻ sẽ cần dùng thuốc điều trị. Hãy đưa trẻ đi khám để được chỉ định dùng thuốc tác dụng tại chỗ hoặc thuốc uống, tiêm toàn thân. Không nên để bệnh kéo dài, tiến triển sang giai đoạn ứ mủ hoặc vỡ mủ, không những điều trị khó khăn hơn mà biến chứng cũng rất dễ gặp phải.
Viêm tai giữa thường nặng nhất khi tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, nhất là phế cầu khuẩn đồng thời gây bệnh viêm đường hô hấp nặng. Khi đó, trẻ sẽ phải sử dụng thuốc kháng sinh điều trị, trong quá trình điều trị cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi.
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ có thể phòng ngừa được
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ có thể được phòng ngừa hiệu quả với các biện pháp sau:
- Giữ ấm tốt cho trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa vừa giúp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp vừa hạn chế viêm tai giữa biến chứng.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những trẻ đang có dấu hiệu của bệnh cảm lạnh hay cũng đang bị viêm tai giữa.
- Cho trẻ bú nhiều, ăn nhiều hoa quả, trái cây với trẻ đã ăn được để tăng sức đề kháng.
- Khi cho trẻ bú bình, nên để bé ở tư thế ngồi, tránh bé bú ở tư thế nằm khiến sữa và nước có thể chảy ngược lại vào tai.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá hoặc hóa chất trong môi trường ô nhiễm.
- Tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ các loại vắc xin được khuyến cáo hàng năm, trong đó đặc biệt lưu ý vắc xin ngừa cúm và phế cầu.
Nhiễm phế cầu khuẩn là tình trạng nghiêm trọng nhất gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa nặng có thể biến chứng đe dọa tới tính mạng. Tiêm phòng vắc xin ngừa phế cầu vẫn được đánh giá là phương pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Vắc xin phổ biến nhất hiện nay là vắc xin Symflorix, có khả năng ngứa 10 typ kháng nguyên phổ biến nhất của phế cầu khuẩn. Trẻ được tiêm phòng sẽ tự sinh ra kháng thể, dễ dàng tiêu diệt phế cầu khuẩn khi chúng xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Viêm tai giữa ở trẻ là căn bệnh thường mắc phải nhưng hoàn toàn có thể nhận biết và chữa trị dứt điểm. Khi trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến viêm tai giữa, cha mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Nguồn: medlatec.vn/tin-tuc/viem-tai-giua-o-tre-em-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-xu-tri-s98-n28331
Bài viết liên quan: