OCD là gì? Làm thế nào để nhận biết được hội chứng ám ảnh cưỡng chế? Đây có thể là câu hỏi của nhiều người khi nghe đến hội chứng này. Thông qua bài viết dưới đây, chúng tôi cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích về OCD. Cùng tìm hiểu ngay!
Mục lục
Khái niệm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế – OCD là gì?
Hội chứng ám ảnh cưỡng chế hay có tên gọi khác là chứng OCD – là một bệnh có liên quan tới các rối loạn tâm thần. Những ai mắc OCD sẽ không thể kiểm soát được bản thân có những suy nghĩ hoặc hành động lặp đi lặp lại. Tuy nó không tác động nhiều đến sức khỏe người bệnh, nhưng lại gây ra các ảnh hưởng cho sinh hoạt hàng ngày, trong học tập, công việc và cản trở việc xây dựng các mối quan hệ xung quanh.
Đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế là người bệnh vẫn có ý thức được sự bất hợp lý trong hành động cũng như suy nghĩ, nhưng lại không kiểm soát được chúng. Ví dụ trong trường hợp một người mắc OCD dọn dẹp sẽ luôn quan sát mọi thứ xung quanh và giữ cho chúng sạch sẽ hết mức có thể. Họ luôn dọn dẹp ngay cả khi căn nhà đã rất sạch sẽ rồi.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra ra nguyên nhân của hội chứng ám ảnh cưỡng chế này, tuy nhiên vẫn chưa thể xác định rõ. Họ cho rằng yếu tố di truyền cùng với sự rối loạn serotonin có thể là nguyên nhân gây nên căn bệnh này. OCD thường xảy ra ở nữ và tỷ lệ mắc phải ở độ tuổi từ 15 – 25 là cao nhất.
Đặc điểm của hội chứng này như thế nào?
Hầu hết những người mắc hội chứng ám ảnh cưỡng chế đều có những triệu chứng sau đây:
- Hay tự tưởng tượng ra những hình ảnh đồi trụy hoặc bạo lực.
- Sợ làm ra các hành động đáng xấu hổ hay làm hại đến bản thân và người khác.
- Đặt ra yêu cầu tính hệ thống và ngăn nắp cao đối với tất cả mọi thứ.
- Có cảm giác ghê tởm khi nhìn thấy chất thải, rác, hoặc ở trong một không gian bừa bộn, bẩn thỉu.
- Thường xuyên giật mình tỉnh dậy giữa đêm để kiểm tra xem các cửa đã khóa chưa, thiết bị trong nhà đã được tắt hết hay chưa.
- Luôn sắp xếp các đồ dùng trong nhà như: giày dép, quần áo, chén đũa,… theo một trật tự nhất định mới có cảm giác dễ chịu.
- Liên tục rửa tay kể cả khi ra ngoài và lúc ở nhà vì luôn có ám ảnh rằng vi khuẩn sẽ bám lên da.
- Tự động đếm số bậc thang, ô cửa sổ xung quanh một cách vô thức.
- Nói thầm với bản thân nhiều lần.
Những đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế so với người bình thường có thể được nhận thấy từ các hành vi như:
- Luôn bị chi phối ít nhất 1 tiếng đồng hồ/ngày bởi các hành động và suy nghĩ thiện hướng OCD.
- Không kiểm soát được hành vi của bản thân mặc dù luôn nhận thức được suy nghĩ và hành động đó là thừa thãi.
- Sự lặp đi lặp lại trong hành vi chỉ để giảm sự căng thẳng và lo lắng chứ người bệnh không thực sự cảm thấy hứng thú hay yêu thích nó.
- Trong một số trường hợp nhất định, người bệnh sẽ có sự cử động cơ bất thường như: khịt mũi, nhún vai, nháy mắt, nhăn mặt,… một cách liên tục.
Cách điều trị hội chứng ám ảnh cưỡng chế, bạn biết chưa?
Sau khi đã biết rõ các đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế thì chắc hẳn nhiều người đang thắc mắc chúng ta nên chữa trị chúng bằng cách nào. Sau đây là 3 phương pháp điều trị phổ biến có thể giúp bạn thoát khỏi hội chứng OCD này đấy.
Một số người khi mắc OCD sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị bằng việc uống thuốc. Tuy thuốc không xóa bỏ hoàn toàn những đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế biểu hiện lên người bệnh nhưng chúng hỗ trợ giúp kiểm soát một phần tình hình bệnh.
Thông thường, người bệnh sẽ kết hợp việc dùng thuốc với điều trị tâm lý để tăng hiệu quả chữa bệnh. Một số loại thuốc thông dụng dùng cho bệnh nhân mắc OCD gồm có: Fluvoxamine (Luvox CR), Clomipramine (Anafranil), Paroxetine (Pexeva), Fluoxetine (Prozac), Sertraline (Zoloft).
Điều trị bằng liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý có tác dụng thay đổi cách suy nghĩ thừa thãi và hành vi lặp của bệnh nhân. Bên cạnh đó, khi bạn áp dụng các liệu pháp tâm lý này trong quá trình chữa hội chứng OCD sẽ góp phần tăng hiệu quả của thuốc đặc trị. Có 2 liệu pháp tâm lý thường dùng, đó là:
Liệu pháp hành vi: bao gồm 2 kỹ thuật chính, một là để cho người bệnh tự bộc lộ những suy nghĩ khiến họ ám ảnh để giải tỏa hết căng thẳng trong người, kỹ thuật thứ hai là thực hiện các biện pháp chuyên môn để ngăn bệnh nhân thực hiện các hành vi gây cưỡng chế và ngăn sự hình thành của luồng suy nghĩ ám ảnh.
Liệu pháp nhận thức: được dùng để giúp cho người bệnh đánh giá lại những lo âu, suy nghĩ và hành động để họ tự nhận thức được sự quá mức của chúng.
Điều trị bằng biện pháp tự cải thiện
Một trong những biện pháp để giảm bớt những đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế đó chính là tự cải thiện. Bệnh nhân có thể tự áp dụng các cách sau đây để tự cải thiện hội chứng OCD tại nhà:
- Thường xuyên tâm sự với người thân, bạn bè để nhận được sự giúp đỡ và những lời động viên.
- Ghi chép đầy đủ tất cả những hành động và suy nghĩ ám ảnh để tự ý thức và xua đuổi chúng đi.
- Đi ngủ đúng giờ và đủ giấc.
- Tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoài cộng đồng, xã hội.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày và ăn uống lành mạnh.
- Luôn nhớ uống thuốc kết hợp với các phương pháp để giảm thiểu sự căng thẳng, lo âu sau thời gian dài học tập và làm việc (ví dụ tập yoga, thiền, hít thở sâu, tắm nước ấm,…).
Hội chứng ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?
Những đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế sẽ làm cản trở các hoạt động sinh hoạt của người bệnh. Ngoài ra, chúng sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn, cụ thể như:
- Ảnh hưởng đến quá trình học tập, cũng như chất lượng công việc và các mối quan hệ của bệnh nhân.
- Gây hại đến bản thân và những người xung quanh (khá hiếm gặp).
- Gây ra những thay đổi về ngoại hình.
- Dễ xảy ra những xung đột không đáng có với người nhà hoặc bạn bè xung quanh.
- Gây rối loạn lo âu và khiến chứng trầm cảm nghiêm trọng hơn.
- Với những người mắc OCD về tình dục sẽ có đời sống tình dục bất thường.
OCD khiến cho người bệnh lặp đi lặp lại những hành động thừa thãi, không cần thiết một cách không kiểm soát được. Mặc dù nó không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe, tuy nhiên OCD sẽ khiến người bệnh gặp nhiều cản trở trong đời sống hằng ngày.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/dac-diem-cua-hoi-chung-am-anh-cuong-che-la-gi-cach-dieu-tri-ra-sao-s65-n26491