Mang thai giả là hiện tượng cơ thể xuất hiện những dấu hiệu giống như phụ nữ mang thai. Có thể khi các mẹ mong có con nên xuất hiện tình trạng này. Sau đó khi phát hiện mình không có thai thật các mẹ dễ bị thất vọng, tình trạng này kéo dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Do vậy cần tìm hiểu chi tiết để ngăn chặn. Cùng tìm hiểu dấu hiệu mang thai giả và nguyên nhân gây ra hiện tượng này qua bài viết sau.
Mục lục
Mang thai giả là gì, nguyên nhân mang thai giả
Khái niệm mang thai giả
Mang thai giả là hiện tượng phụ nữ có những triệu chứng cơ năng và cảm xúc giống như người mang thai và họ tin là mình có thai nhưng trên thực tế họ lại không mang thai.
Mang thai giả có nguyên nhân từ đâu?
Căn nguyên chính xác gây nên hiện tượng mang thai giả vẫn chưa giải thích được vì nó có liên quan đến vỏ não, nội tiết tố với vùng dưới đồi và yếu tố tâm lý. Nhiều giả thuyết lý giải về sự xuất hiện của hiện tượng này như sau:
- Tâm lý mong muốn hoặc lo sợ có con
Nhiều nghiên cứu sức khỏe tâm thần cho rằng chính khao khát có con hoặc nỗi sợ mang thai đến đỉnh điểm là tác nhân gây ra sự ảo tưởng khiến cho người phụ nữ cho rằng mình đang có dấu hiệu mang thai. Chính yếu tố tâm lý – thần kinh ấy làm kích thích hệ nội tiết và gây ra các dấu hiệu mang thai giả.
- Áp lực của vai trò làm vợ
Cũng có giả thuyết cho rằng áp lực cần phải làm tròn bổn phận của người phụ nữ sau khi họ phải trải qua biến cố thai sản như vô sinh, sảy thai, hoặc áp lực sớm có con từ phía gia đình sau khi kết hôn,… trở thành tác nhân gây nên hiện tượng mang thai giả. Vì mong muốn làm tròn nghĩa vụ mà cơ thể người phụ nữ diễn giải sai và phát ra tín hiệu giống như đang mang thai.
- Hệ thần kinh có vấn đề
Rối loạn trầm cảm có liên quan đến sự thay đổi các chất hóa học trong hệ thần kinh cũng được xem là yếu tố gây ra các dấu hiệu mang thai giả. Điều này có nghĩa là, sự căng thẳng, lo âu quá mức làm kích thích tuyến yên, vùng hạ đồi và tuyến thượng thận bài biết ra hormone liên quan đến thai kỳ. Chính sự thay đổi hormone kéo theo các vấn đề khác như: chướng bụng, táo bón, tăng nhu động ruột,… không khác gì cử động của thai nhi.
Ngoài ra, có một số vấn đề sức khỏe có thể làm nên dấu hiệu mang thai giả như: trào ngược thực quản dạ dày, rối loạn kinh nguyệt hoặc triệu chứng tiền kinh nguyệt.
Các dấu hiệu của mang thai giả và cách chẩn đoán chính xác
Các dấu hiệu phát hiện mang thai giả
Những dấu hiệu mang thai giả tương đối giống với dấu hiệu mang thai thật nên người phụ nữ rất khó tự phân biệt được:
- Cảm giác bụng dưới bỗng nhiên to dần
Cảm giác bụng dưới to dần dần là một trong những dấu hiệu khiến nhiều người phụ nữ nghĩ rằng mình đang mang thai. Tuy nhiên, nếu siêu âm sẽ không tìm thấy sự có mặt của thai trong tử cung. Nguyên nhân gây nên tình trạng này thường là do:
– Bị đầy hơi, khó tiêu vì rối loạn tiêu hóa.
– Táo bón.
– Lớp mỡ thừa ở bụng tăng lên.
- Bị mất kinh hoặc rối loạn chu kỳ kinh
Đây cũng là một trong các dấu hiệu mang thai giả rất phổ biến. Thực tế tình trạng này là do sự rối loạn hormone sinh dục có liên quan đến vấn đề về tâm lý, chế độ dinh dưỡng hoặc sinh hoạt không lành mạnh. Mặt khác, một số phụ nữ dùng thuốc tránh thai cũng dễ mắc các thay đổi về sinh lý khiến cho kỳ kinh không đều hoặc mất kinh và nhầm tưởng là mình mang thai.
- Một số dấu hiệu khác
– Cảm thấy buồn nôn hoặc bị nôn mửa giống như người ốm nghén (thường là do rối loạn tiêu hóa).
– Đầu ti thay đổi, ngực đau và căng tức, có thể tiết sữa non ở đầu ti (vì bị rối loạn nội tiết hoặc các triệu chứng trước mỗi kỳ kinh).
– Đau bụng âm ỉ.
– Tăng cân, thèm ăn,…
Hướng dẫn chẩn đoán tình trạng mang thai giả
Nếu không thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra có liên quan đến thai kỳ thì người phụ nữ rất khó biết được mình đang có dấu hiệu mang thai giả. Để chẩn đoán hiện tượng này, bác sĩ thường căn cứ trên các dấu hiệu mà người phụ nữ đang gặp phải kết hợp với thử thai (bằng xét nghiệm máu beta-HCG hoặc thử que thử thai) và tiến hành siêu âm bụng. Những trường hợp mang thai giả trên kết quả siêu âm và xét nghiệm thử thai sẽ không thấy sự hình thành của thai.
Việc lầm tưởng mình đang mang thai hầu hết đều do các rối loạn về cảm xúc thần kinh. Mặt khác, có một số bệnh lý dễ gây nên dấu hiệu mang thai giả như: bệnh lý dạ dày, hội chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt,… Vì thế, khi có dấu hiệu nghi ngờ mang thai, nữ giới nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa kiểm tra để sớm có được kết luận chính xác.
Không nên xem thường những dấu hiệu cho thấy mang thai giả vì có những trường hợp xuất phát từ nguyên nhân tâm lý, cần được điều trị tâm lý để giải tỏa áp lực mà người phụ nữ đang mắc phải.
Mang thai giả là tình trạng ít phổ biến và hiếm gặp, tuy nhiên không thể loại trừ khả năng bạn gặp phải tình trạng này. Do vậy, nếu phát hiện các dấu hiệu mang thai giả bên trên cần thăm khám và có cách xét nghiệm, siêu âm chuẩn xác để có kết quả đúng nhất.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/dau-hieu-mang-thai-gia-la-gi-lam-cach-nao-de-chan-doan-s74-n30148
Bài viết liên quan: