Cảm cúm là căn bệnh thường gặp, nhất là ở những giai đoạn chuyển mùa trong năm. Bệnh cảm cúm thường kéo dài và gây cảm giác khó chịu cho người mắc. Ngoài việc chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho người bệnh thì nhiều người vẫn thắc mắc cảm cúm uống thuốc gì thì nhanh khỏi? Dưới đây là một số thông tin bác sĩ cung cấp:
Mục lục
Câu hỏi bạn đọc:
Chào bác sĩ, thời gian gần đây thời tiết thay đổi thất thường, khiến các thành viên trong gia đình tôi lần lượt bị cảm cúm (ho, sốt, sổ mũi…). Tôi muốn ra nhà thuốc mua thuốc điều trị, nhưng không biết nên dùng những loại thuốc nào. Xin hỏi bác sĩ cảm cúm nên uống thuốc gì? Cảm ơn bác sĩ.
Chị Hoa (38 tuổi – Phú Nhuận)
Bác sĩ giải đáp:
Chào bạn,
Với câu hỏi cảm cúm uống thuốc gì, bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng, chuyên khoa Ho – Hô hấp, giải đáp như sau:
Những loại thuốc người mắc cảm cúm nên uống
Trước khi trả lời cho câu hỏi “Cảm cúm nên uống những loại thuốc gì?”, bạn cần biết “Bệnh cúm là gì?”.
Bệnh cúm hay còn gọi là cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính gây ra do virus cúm mùa (cúm A (H3N2, H1N1), cúm B). Bệnh thường lành tính, có thể tự khỏi và không để lại di chứng nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, đối với một số cơ địa đặc biệt như: người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch (HIV/ AIDS, sử dụng corticoid kéo dài, ung thư,..), người có bệnh mạn tính về tim mạch, hô hấp, người già (>65 tuổi), trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai,… bệnh cúm có thể diễn tiến nặng và gây tử vong.
Dấu hiệu mắc cúm mùa gồm:
- Sống hoặc đến khu vực hiện đang có cúm mùa hoặc có tiếp xúc trực tiếp với người mắc cúm.
- Sốt, đau nhức toàn thân, các triệu chứng về hô hấp như đau họng, hắt xì, ngạt mũi, sổ mũi, ho, khó thở,…
- Khi xuất hiện các triệu chứng trên, bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, kỹ thuật PCR để tìm virus cúm, X-quang ngực thẳng,…
Bệnh cảm cúm có nguy hiểm không? Bệnh có thể gây ra một số biến chứng như:
- Viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi trùng.
- Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan.
- Các bệnh mạn tính kèm theo (nếu có) nặng hơn: bệnh phổi, gan, thận, tiểu đường, tim mạch, bệnh về máu,…
Vậy bị cảm cúm nên uống thuốc gì nhanh khỏi? Thuốc điều trị cảm cúm có thể chia thành 2 nhóm: thuốc đặc trị cảm cúm và thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng.
Thuốc đặc trị cảm cúm
Thuốc đặc trị cảm cúm là thuốc kháng virus, cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Thuốc được chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng hoặc trên những cơ địa có yếu tố nguy cơ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Thuốc kháng virus nên được sử dụng càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng cúm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Sử dụng thuốc kháng virus sẽ giúp các triệu chứng cúm mùa được cải thiện đáng kể và rút ngắn thời gian hồi phục.
Bị cảm cúm nên uống thuốc gì? 2 loại thuốc kháng virus hiện nay có thể được sử dụng cho người mắc cúm mùa là oseltamivir (Tamiflu) và zanamivir. Mặc dù hiệu quả, những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ. Nếu người dùng gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số tác dụng phụ của thuốc hoặc nếu tình trạng cơ thể trở nên tồi tệ hơn, hãy thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí thích hợp.
Thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng
Các thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol giúp giảm các triệu chứng đau sốt.
Ngoài ra, bạn cũng nên:
- Bổ sung đầy đủ nhu cầu nước của cơ thể và dinh dưỡng hợp lý giúp nhanh lành bệnh.
- Chế độ nghỉ ngơi phù hợp cũng giúp đẩy lùi cúm hiệu quả.
Phụ nữ mang thai, trẻ em khi cảm cúm uống thuốc gì?
Đối với nhóm phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em là nhóm đối tượng nhạy cảm. Việc lựa chọn và sử dụng thuốc ở nhóm này cần có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý sử dụng thuốc bừa bãi. Tuy nhiên, thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol có thể được sử dụng với liều lượng phù hợp.
Tình trạng cảm cúm kéo dài bao lâu
Như đã trình bày ở phần trên, cảm cúm là bệnh do virus gây ra và có thể tự khỏi không cần điều trị ở những cơ địa khỏe mạnh, không có bệnh nền.
Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày với những triệu chứng như sốt, viêm long hô hấp,… Nếu không có bất kì dấu hiệu nặng nào như đau ngực, ho ra máu, khó thở nhiều,… bệnh sẽ tự khỏi.
Bác sĩ lưu ý 1 vài điểm cần thực hiện để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn cúm:
- Mang khẩu trang khi mắc bệnh
- Rửa tay thường xuyên
- Tránh tụ tập đông người, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch cúm
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh hô hấp, súc miệng – họng bằng các thuốc sát khuẩn theo khuyến cáo của y tế…
Bài viết trên đã cho bạn biết cảm cúm uống thuốc gì và những thông tin liên quan đến bệnh cảm cúm. Thông thường, khi mắc cảm cúm người bệnh sẽ từ khỏi trong vòng 10 ngày. Nhưng vẫn có một số trường hợp bệnh diễn biến nặng. Nếu tình trạng ho, sốt, đau họng,… kéo dài trên 10 ngày thì bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị.
Nguồn: hellobacsi.com/ho-va-benh-duong-ho-hap/benh-cum/cam-cum-uong-thuoc-gi/