Lẹo mắt là tình trạng bệnh lý thường gặp do một loại vi khuẩn gây ra. Lẹo mắt thường tự khỏi sau vài ngày và không tái phát, tuy nhiên thường gây sưng đau và khó chịu ở mắt. Vì vậy, bạn nên áp dụng 9 cách trị lẹo mắt có thể thực hiện ở nhà để giảm đau và hạn chế tình trạng tái phát.
Vì sao bị lẹo mắt?
Khoảng 90 đến 95% tình trạng mụt lẹo ở mắt đều do vi khuẩn Staphylococcus (tụ cầu khuẩn) gây ra. Ngoài ra, những người đang bị viêm bờ mi có nguy cơ bị mọc lẹo cao hơn. Các yếu tố khác như cơ thể thiếu nước, căng thẳng và những thay đổi hormone cũng góp phần dẫn đến lẹo mắt. Sau đây là 9 cách chữa và hạn chế lẹo mắt dễ thực hiện và hiệu quả bạn nên biết.
Những cách trị lẹo mắt hiệu quả tại nhà
Không dùng tay dụi mắt
Lẹo mắt xảy ra thường do bụi bặm, phấn trang điểm hoặc những vụn bẩn khác làm tắc nghẽn và nhiễm trùng tuyến bã nhờn. Vì vậy, trước khi muốn điều trị mụt lẹo thì bạn cần ngăn ngừa các tác nhân này để tránh bệnh nặng hơn, do đó hãy hạn chế đưa tay lên dụi, chạm vào mắt.
Cách trị lẹo mắt: Rửa mắt bằng nước ấm
Đây là cách trị lẹo mắt tại nhà an toàn, hiệu quả được rất nhiều người áp dụng theo. Làm ướt một chiếc khăn mặt sạch với nước ấm, sau đó vắt nhẹ để khăn ráo nước. Đặt khăn ấm lên trên mắt trong vòng từ 5-10 phút. Nước ấm có thể giúp làm tan mủ và làm cho mụn lẹo khô một cách tự nhiên.
Không được nặn khi mắt lẹo
Lẹo mắt tuy làm bạn khá khó chịu và muốn nặn chúng nhưng việc làm này sẽ gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm. Khi bạn nặn mủ ra ngoài, vi khuẩn sẽ theo đó nhanh chóng lan ra các vùng khác. Do vậy, cách trị mụn lẹo mắt lúc này là bạn nên để mụn lẹo khô tự nhiên hoặc uống thuốc để làm mủ khô nhanh hơn.
Bên cạnh việc không tự ý chữa lên lẹo mắt bằng cách thử nặn mủ, bạn cũng không nên áp dụng các cách chữa lẹo mắt khác như: đắp lá, tra thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
Không được dùng tay gãi mụn lẹo vì sẽ khiến mắt bị tổn thương. Từ đó, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển nhiều hơn.
Luôn giữ mắt thông thoáng
Bạn không nên trang điểm để che lẹo mắt vì điều này có thể làm chậm quá trình lành mắt và thậm chí làm mắt bạn khó chịu hơn. Ngoài ra, chì kẻ mắt và cọ trang điểm cũng làm vi khuẩn bám nhiều hơn vào mắt và khiến chúng lan ra bên mắt còn lại. Nếu có thể, hãy ngừng sử dụng kính áp tròng, chuyển sang kính có gọng để tránh vi khuẩn bám vào mặt kính và lan rộng ra.
Cần sử dụng một số biện pháp bảo vệ mắt trước khói bụi và ô nhiễm môi trường bằng cách: đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường, hay dọn dẹp nhà cửa hoặc lao động. Tránh đến những nơi bị ô nhiễm không khí nặng nề. Bạn cũng cần lưu ý nên rửa tay thường xuyên, nhất là khi chăm sóc cho người có mụn lẹo ở mắt.
Vệ sinh mí mắt thường xuyên
Việc vệ sinh mí mắt sạch sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Để vệ sinh, bạn nên chọn loại dầu gội dành cho trẻ em với chiết xuất không làm cay mắt. Lấy một lượng dầu gội vừa đủ và hòa với nước ấm. Sau đó, dùng miếng bông hoặc khăn mặt sạch nhúng vào dung dịch này, rồi nhẹ nhàng rửa sạch bụi bẩn ở mí mắt. Bạn nên thực hiện cách trị lẹo mắt này với tần suất mỗi ngày hoặc hai ngày một lần. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận để tránh dầu gội dính vào trong mắt nhé!
Hạn chế trang điểm vùng mắt
Nếu phải trang điểm, đừng quên tẩy trang ngay sau khi về nhà! Những lớp trang điểm có thể làm cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn. Vì thế, bạn nên vệ sinh cọ trang điểm thường xuyên, bỏ lông mi giả và sản phẩm kích mí đã sử dụng và biết cách tẩy trang theo loại da mặt thật cẩn thận. Ngoài ra, hãy “chia tay” với các dụng cụ trang điểm cũ như mascara, chì kẻ mắt hoặc phấn mắt đã sử dụng hơn 3 tháng để trị lẹo mắt.
Cách trị lẹo mắt bằng cách chườm túi trà
Thay vì sử dụng khăn ấm lau mặt và sạch như cách cách trị leo mắt trên, bạn có thể dùng một túi trà nóng để áp lên mắt. Trà xanh sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho mắt vì nó có tác dụng giảm sưng mắt và kháng khuẩn.
Đầu tiên, bạn đun sôi nước rồi thả túi trà vào. Sau đó, bạn chờ cho túi trà nguội rồi chườm lên mắt trong 5-10 phút (hãy thử trên mu bàn tay trước để tránh phỏng). Dùng hai túi trà riêng cho hai mắt để tránh lây lan vi khuẩn.
Dùng thuốc giảm đau
Nếu mắt quá đau, bạn có thể dùng thuốc ibuprofen hoặc paracetamol để giảm nhẹ cơn đau. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để uống thuốc đúng liều. Uống thuốc quá liều có thể thể gây hại cho cơ thể, đặc biệt là gan.
Tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng kháng sinh
Thuốc kháng sinh trị lẹo mắt có thể được bác sĩ sử dụng để trị lẹo mắt bị nhiễm trùng. Thuốc trị lẹo mắt có thể được dùng ở dạng thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt như polymyxin.
Lẹo mắt kéo dài bao lâu?
Thông thường, mụt lẹo sẽ tự khỏi chỉ sau vài ngày hay vài tuần mà không cần phải dùng đến các phương pháp điều trị đặc hiệu. Khi mủ ở mắt vỡ ra, các triệu chứng tại chỗ cũng sẽ thuyên giảm sau 4-6 ngày.
Để tình trạng lẹo mắt nhanh chóng được chữa khỏi thì bạn nên biết được những cách trị lẹo mắt có thể áp dụng dễ dàng tại nhà. Nếu sau 7 ngày, mắt vẫn còn sưng và đau thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cách điều trị.
Nguồn: hellobacsi.com/nhan-khoa/benh-nhan-khoa/8-cach-don-gian-dieu-tri-leo-mat-tai-nha/